TOP 5 cách giảm và phòng chứng táo bón hiệu quả

uong nhieu nuoc

Bệnh táo bón có thể được phòng ngừa bằng cách nạp thêm chất xơ, uống thêm nước… Khi bạn ăn, ruột non sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn, nước và chất xơ, rồi chuyển phần còn lại đến ruột già. Khi chất thải mất quá nhiều thời gian đi qua ruột già, chúng trở nên cứng lại do mất nước. Thời gian phân bị giữ lại trong đại tràng càng lâu khiến bạn càng khó đi đại tiện hơn.

Dưới đây là một vài mẹo đơn giản để giúp ngăn ngừa chứng táo bón.

Bổ sung thêm chất xơ

Tăng chất xơ hòa tan có thể ngăn ngừa sự hình thành phân cứng. Người trưởng thành được khuyến nghị nên bổ sung 25-31 g chất xơ mỗi ngày bằng cách ăn nhiều loại trái cây, rau, đậu, và ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, hạt lanh, hạt chia là những nguồn giàu chất xơ hòa tan khác mà bạn có thể thêm vào bữa ăn hàng ngày để có chế độ ăn uống phong phú.

Uống nhiều nước

Khi không uống đủ nước, cơ thể sẽ hút nhiều nước hơn ra khỏi phân dẫn đến sự hình thành phân cứng. Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học quốc gia (Mỹ) khuyến nghị đàn ông trưởng thành nên uống khoảng 3,8 lít nước mỗi ngày và khoảng 2,8 lít nước đối với phụ nữ trưởng thành.

Bạn có thể mang theo bình nước có thể đo thể tích bên mình và uống đều trong cả ngày. Bạn cũng nên giảm uống thức uống có caffeine và alcohol để hạn chế mất nước. Khi uống một ly bia, rượu hoặc một tách cà phê, bạn nhớ uống thêm một ly nước đầy, cùng với lượng nước trung bình mà cơ thể cần.

uong nhieu nuoc
Phụ nữ được khuyến nghị bổ sung khoảng 3 lít nước mỗi ngày để phòng bệnh tiêu hóa như táo bón. Ảnh: Freepik

Theo dõi thói quen đi vệ sinh

Hầu hết mọi người đều có nhu cầu đi đại tiện nhất định từ 3 lần một ngày đến 3 lần một tuần. Không đi đại tiện thường xuyên thường dẫn đến sự hình thành phân cứng. Bạn nên ghi nhận thói quen đi vệ sinh và các triệu chứng bất thường và thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có giải pháp điều trị, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa sớm.

Chú ý đến nhu cầu của cơ thể

Người có thói quen nhịn đại tiện trong ngày (do không muốn đi vệ sinh tại nơi làm việc, quá bận rộn hoặc chỉ thích sự thoải mái khi đi tại nhà) gây ra tình trạng phân ở trong ruột kết quá lâu và mất nước, gây khó đi ngoài. Vì vậy, bạn nên đi vệ sinh theo nhu cầu của cơ thể. Nếu muốn tránh đi đại tiện tại chỗ không quen thuộc, bạn có thể tạo thói quen cho cơ thể bằng cách điều chỉnh thời gian và chế độ ăn uống, lên lịch đi đại tiện vào một thời điểm thuận tiện mỗi ngày.

Thư giãn cho bụng

Tự xoa bóp bụng, kết hợp với thay đổi nhịp sinh hoạt, ăn uống cũng là cách bạn có thể áp dụng khi bị táo bón. Bạn nằm ngửa, thả lỏng cơ thể và xoa một chiều quanh bụng để thư giãn các cơ khoảng 30 lần. Sau đó, bạn đổi bên và xoa bụng theo chiều ngược lại.

Người bệnh cần đi khám bác sĩ nếu bị đi tiêu ít hơn 3 lần một tuần; thường xuyên đi khó; hơn 1/4 số lần đi đại tiện phải dùng dụng cụ hỗ trợ, phân cứng vón cục và đi tiêu không hết. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn những loại thuốc làm mềm phân và nhiều loại thuốc nhuận tràng phù hợp với cơ thể và các loại thuốc khác (nếu có). Ngoài việc gây khó chịu khi đi đại tiện, phân cứng còn có thể gây ra bệnh trĩ và nứt hậu môn và gây nguy hiểm cho đường tiêu hóa. Việc cố gắng thải phân cứng ra ngoài còn có thể gây sa trực tràng (một phần ruột già bị tuột ra khỏi hậu môn).

Mai Chi
(Theo Very Well Health) – Vnexpress

error: Content is protected !!